Lượt xem: 382

Nông dân Sóc Trăng chủ động sản xuất để ứng phó với hiện tượng El Nino

Phòng hạn ngay trong mùa mưa và đề phòng ngập úng ngay trong mùa khô, đã là cách mà con người phải tập để thích ứng trước những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Chính vì vậy mà thời điểm này, ngay khi mùa mưa vẫn còn chưa kết thúc, nông dân Sóc Trăng đã linh hoạt trong việc bố trí sản xuất nhằm ứng phó có hiệu quả với diễn biến thời tiết cực đoan từ hiện tượng El Nino.

 


Nông dân Kế Sách khẩn trương gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm

 

    Các xã An Mỹ, Kế Thành, Thới An Hội và thị trấn Kế Sách là những vùng sản xuất lúa 3 vụ của huyện Kế Sách. Tuy nhiên, đây cũng là những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng khi mặn xâm nhập. Từ thông tin dự báo về khả năng mặn đến sớm hơn do tác động từ hiện tượng El Nino, ngay khi vừa thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu, nông dân trên địa bàn đã khẩn trương làm đất, khởi động vụ lúa Đông Xuân sớm. Không chỉ bố trí lại lịch thời vụ, bà con còn ưu tiên canh tác các giống lúa ngắn ngày như: OM34, OM380. Mặc dù năng suất có phần thấp hơn, nhưng các giống này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 15 đến 20 ngày so với những giống như OM18 hay OM5451, giúp nông dân rút ngắn được thời gian sản xuất. Bởi một khi thu hoạch sớm vụ lúa này, người dân sẽ có thể xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân muộn, từ đó tránh được rủi ro khi mặn xâm nhập vào giai đoạn cuối vụ. Nông dân Nguyễn Trường Thọ ở ấp An Phú, thị trấn Kế Sách cho biết: “Tôi nghe thông tin trên Đài năm nay mặn xâm nhập sâu và sớm hơn nên mới sạ sớm, chứ mọi năm thời điểm này là chưa sạ, đến hết tháng 8 mới bắt đầu sạ, năm nay sạ sớm hơn để chạy mặn. Tôi sạ sớm để vừa thu hoạch vụ này xong, sạ tiếp vụ Đông Xuân muộn càng sớm càng tốt. Với vụ này tôi sạ giống OM380 để rút ngắn thời gian sinh trưởng”.

    Là vùng đất cồn nằm chắn giữa sông Hậu, nên khi mặn bắt đầu xâm nhập, Cù Lao Dung là địa phương chịu ảnh hưởng trước nhất so với các huyện lân cận, điều này cũng gây nhiều trở ngại cho nhà vườn trồng cây ăn trái. Khác với sự bị động như nhiều năm trước, ngay khi mùa mưa vẫn còn chưa dứt, nhiều nông dân nơi đây đã chủ động nạo vét kênh mương tích trữ nước ngọt tại vườn, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước để đảm bảo duy trì tốt khả năng cấp nước cho cây trồng khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh sự chủ động về nguồn nước tưới, nhiều nhà vườn cũng thực hiện đầy đủ một số biện pháp quản lý vườn cây trong điều kiện xâm nhập mặn, như: Tỉa cành, tạo tán; ủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình hoặc cỏ khô để hạn chế sự bốc hơi nước. Ông Nguyễn Văn Tấn – nhà vườn trồng cây ăn trái ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung chia sẻ thêm: “Khi cắt cành, tỉa lá như vậy sẽ giảm được lượng nước cấp cho cây, cây cũng được thoáng, giảm đi sâu bệnh. Vùng này khi mặn xâm nhập là khó tìm nguồn nước lắm, nên tranh thủ khi mưa xuống tích trữ nước ngọt để khi cần sử dụng cấp cho cây”.

    Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ biểu hiện rõ vào những tháng cuối năm 2023, kéo dài đến năm 2024. Mùa mưa kết thúc sớm, mặn có khả năng xâm nhập sớm và sâu hơn. Tại Sóc Trăng, tác động từ hiện tượng El Nino sẽ gây ra hiện trạng thiếu nước tại những vùng có nguy cơ cao như: Long Phú – Tiếp Nhựt, khu vực Kế Sách và các vùng cù lao sông Hậu. Trước tình này, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Công văn số 1187/UBND-KT, ngày 17/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tiến hành các biện pháp cấp bách, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình cấp nước tập trung, công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn... Không để thiếu nước cho sinh hoạt ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu. Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Đối với bà con nông dân sản xuất lúa tại những vùng có nguy cơ cao cần tuân thủ theo khung lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khuyến cáo, sản xuất đúng mùa vụ để có thể thu hoạch né mặn trong thời gian tới. Đối với các vùng trồng cây ăn trái tập trung như Kế Sách, Cù Lao Dung bà con nên thường xuyên theo dõi bản tin dự báo về tình trạng mặn tại khu vực và kiểm tra nồng độ mặn của nước ở sông rạch xung quanh địa bàn của mình trước khi lấy nước tưới. Có như vậy chúng ta mới hạn chế được thấp nhật thiệt hại về sản xuất mà hạn mặn có thể gây ra trong thời gian tới”.

    Có thể thấy, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và rất khó đối phó hay khắc phục trong một thời gian ngắn. Vì vậy, ngoài những giải pháp đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, bà con nông dân cần quan tâm, theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết, thủy văn để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế sự thất thoát về năng suất. Bên cạnh đó, cần xác định giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt để có hướng chuyển đổi phù hợp, đảm bảo được hiệu quả sản xuất.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 8331
  • Trong tuần: 79,038
  • Tất cả: 11,802,358